[Review] Rooftop Prince: Hoàng tử dép lốp và cô gái nghèo


Do mình cũng đã hứa hẹn viết một bài review sau khi Rooftop/Flip flop Prince kết thúc để so sánh giữa hai phim Rooftop Prince và Sungkyunkwan Scandal mà do thói lười, trước hết mình sẽ review Rooftop Prince cái đã.

Trước hết là plot. Thái tử Lee Gak thời Chosun đau lòng vì thái tự phi bị sát hại, cùng với ba cận thần điều tra tìm hiểu vụ án, nhưng họ bất ngờ bị hút vào lỗ hổng thời gian, bị đưa đến một gác mái năm 2012. Ở đây, Thái tử và đồng bọn dần dần tìm hiểu được chân tướng sự thật.

Overall thì Rooftop Prince là một bộ phim nhẹ nhàng với kết thúc có hậu, người tốt được minh oan, kẻ ác được trừng trị. Thái tử quay trở về Chosun, vạch mặt những kẻ phản bội, khám phá ra nguyên nhân cái chết oan nghiệt và mối tình đơn phương của cô gái khuôn mặt mang vết sẹo. Ở thời hiện đại, kiếp sau của Thái tử tỉnh lại từ cơn hôn mê, gặp lại Park Ha và hai người viết nốt chuyện tình còn dang dở từ trăm năm trước. Cái kết viên mãn và thực sự khá dễ hiểu (mà chẳng hiểu sao dân tình uống nhiều fristi suy luận ra bao nhiêu thứ nhập hồn loạn xạ =)) ). Tuy nói rằng người đến với Park Ha là cả Gấc version 300 năm trước lẫn Taeyong ISO 2012 cũng có phần đúng, nhưng theo thiển ý hết sức thực tế của mình, người Park Ha gặp ở cuối phim là Taeyong. Anh nói “Em đã ở đâu vậy? Anh đã chờ lâu lắm rồi” là theo nghĩa đen, còn câu trả lời của Park Ha, người biết được mối gắn kết của số phận hai người từ 300 năm trước, là theo nghĩa bóng. Đoạn kết này làm mình nhớ đến Meet Joe Black, khi Thần chết si tình trở về thế giới bên kia và Joe Black thật sự trở về với người đẹp. Tương tự như thế, Taeyong chưa từng cùng Park Ha trải qua những chuyện vui buồn, chỉ là từng hai lần tán cô này, một lần lỡ hẹn, vv… Nhưng Park Ha vẫn đến với Taeyong vì đó là số phận mà cô ấy biết trước, rằng thế nào chemistry giữa hai người cũng sẽ work out xD.

Mặc dù trước đó Yoochun đã thể hiện vai Lee Seonjoon khá ấn tượng trong Sungkyunkwan Scandal, nhưng có lẽ chỉ đến phim này, diễn xuất của anh mới được khen ngợi nhiệt liệt bởi báo đài và khán giả. Anh thể hiện hai vai Thái tử Lee Gak, khuôn mặt nghiêm trang, dùng ngôn ngữ cổ trang, giọng điệu uy nghiêm dõng dạc, và vai Taeyong, anh chàng họa sĩ phóng khoáng của thế kỷ 21. So với hình ảnh Lee Seonjoon phần đầu của SKKS quá nghiêm và có phần gượng, thì vai cổ trang do Yoochun thể hiện lần này tốt hơn nhiều. Vẻ mặt sợ sệt của Thái tử khi lạc giữa thế giới hiện đại chính là một trong hai cỗ máy chọc cười lớn nhất phim (cỗ máy chọc cười còn lại, rất tiếc không phải nhân vật nữ chính bi lụy mà là cận vệ Woo, anh chàng to xác, võ công cao cường nhưng đầu óc đơn giản, lại hay bị bắt nạt). Điểm mà mình nhận thấy vai Lee Gak kém phần thú vị, đó là nhân vật này không phát triển nhiều. Trải qua một cuộc phiêu lưu, có khi sự phát triển về tính cách của chàng Thái tử mê đồ ngọt này là…yêu thương cận thần hơn (?!). Vai nho sinh Lee Seonjoon của SKKS ban đầu tuy xuất sắc về học vấn nhưng do “sống và làm việc theo nguyên tắc đạo đức” quá cứng nhắc nên còn kiêu ngạo và thiếu sót nhiều. Chính những khuyết điểm ấy tạo điều kiện cho nhân vật phát triển thêm theo mạch phim. Nhưng vai Thái tử lần này, tự thân đã đa mưu túc trí lại giàu tình cảm, đến thế giới hiện đại lại thêm tài diễn xuất (đóng giả kiếp sau của mình), nên không biết phải cải thiện chỗ nào. Nhân vật của Yoochun vì thế mà quá điển hình hoàn hảo.

Nghiêm túc mà nói thì mình không thích vai Park Ha vì trong khá nhiều tập phim, vai trò của Park Ha khá vô ích. Trong lúc các nhân vật khác chạy đôn chạy đáo đi lo công chuyện, Park Ha thường…thơ thẩn đi dạo, mặt buồn rười rượi và flash back lại những chuyện mới xảy ra 30 giây trước (trong thời lượng phim, 30 giây là khoảng thời gian khán giả vẫn nhớ rõ cảnh trước, chả cần flashback tốn thời gian). Vai của Park Ha là điển hình của nàng Lọ Lem hiền lành chăm chỉ bị con riêng của mẹ kế bắt nạt, cũng là điển hình của nàng Bạch Tuyết chu đáo sống êm ấm với Hoàng tử và ba chú không-lùn-lắm. Một phần do kịch bản và góc quay, một phần do cách diễn xuất, mình ngầm gọi Park Ha là cô nàng Quay Đi Và Khóc, bởi đến phân nửa những cảnh với Thái tử, cô luôn quay ngoắt lưng lại, nước mắt lưng tròng. Tưởng tượng bạn đang nói chuyện đúng sai với bạn gái, cô ấy cứ quay ngoắt đi để bạn nói chuyện với…gáy, thì bạn có điên không?

Mình đã khấp khởi hy vọng Park Ha sẽ lột xác từ sau tập 6-7-8 gì đó khi cô phát hiện ra con riêng của mẹ hãm hại khiến mình bị lạc mất gia đình suốt chục năm trời, cũng đã hí hửng mừng thầm khi cô trợn mắt cảnh cáo ác nữ này. Cứ ngỡ sau đó Park Ha sẽ mạnh mẽ và cầu tiến, nhưng không, cô vẫn đa sầu đa cảm và hầu như luôn luôn thụ động. Cô tìm tung tích mẹ ruột một cách thụ động trong suốt 2/3 thời lượng phim, ghét con riêng của mẹ kế một cách thụ động trong 4/5 thời lượng phim, trơ mắt nhìn nhân vật phản diện đến đập phá nhà cửa vườn tược của mình, và thậm chí khi bị bắt cóc còn lăn ra vì thuốc mê trong 1.5 giây mà không kịp phản kháng. Park Ha chỉ đe dọa vai phản diện Taemu theo kế hoạch Thái tử vạch ra, và cũng chỉ đăng ảnh tìm mẹ ruột sau khi bị lừa đẹp. Cuối phim, cô làm chủ cửa hàng nước quả ép mà cận thần của Thái tử dành tiền gây dựng. Nếu không có họ, có khi Park Ha vẫn thất nghiệp và nghèo xác xơ vì bà mẹ ở tuốt bên Hồng Kông không thấy quay lại. Nói cách khác, nhân vật của cô cần phải vặn tua vít mới hoạt động, mà hành động của cô quá dễ đoán và nhàm chán.

Cùng là Han Jimin đóng, lại chỉ xuất hiện ở tập đầu và tập cuối phim, nhưng vai Pooyoung thời Chosun ấn tượng hơn nhiều. Thời này, là con nhà tể tướng, em gái của Thái tử phi, Pooyoung vừa giỏi văn chương, thêu thùa, vừa đa mưu túc trí. Đáng lẽ được tiến cung làm vợ Thái tử, nhưng do chị gái, cô phải mang một vết sẹo lớn trên mặt, cả đời phải đeo mạng và ôm mối tình câm. Biết được Thái tử phi và nhà tể tướng cấu kết với người ngoài âm mưu hãm hại Thái tử, Pooyoung tức tốc vào cung giữa đêm khuya, giải câu đố của Thái tử và chỉ xin một đĩa hồng mà Thái tử phi đã tẩm thuốc độc để giết Thái tử. Trước khi  chết, cô đổi áo với Thái tử phi để cứu mạng thân quyến của mình và để lại một lá thư trong bức vách, hẹn Thái tử ở kiếp sau. Ở Pooyoung, về tính cách, sự hiền lành dễ bảo vẫn thường thấy, nhưng về hành động, cô gan dạ và mưu trí hơn kiếp sau của mình nhiều. Nếu như Park Ha lao ra trước xe hơi để đẩy Lee Gak ra vì cô không có lựa chọn nào khác, thì sự hy sinh của Pooyoung lớn lao hơn vì cô thể sống, nhưng Pooyoung chọn cách chết thay cho Thái tử, người không có duyên và cũng không yêu mình, và còn tìm cách để gia tộc mình tránh khỏi tai vạ. Điều đáng tiếc là thật sự Pooyoung dường như không được ai yêu thương: chị gái là Thái tử phi thì đố kỵ, Thái tử thì chỉ coi như em gái hay bạn thơ phú, gia tộc tể tướng thì âm mưu điều gì không cho cô biết. Tuy nhiên, Pooyoung vẫn có thể coi là điểm sáng nhất phim.

 

Về kịch bản, có khá nhiều phân đoạn kịch tính khi người tốt cảnh cáo kẻ ác, báo hiệu rằng sự thật sẽ luôn luôn được phơi bày. Kẻ ác thì hay có tật giật mình, nhưng cái hay là Thái tử không biết rõ cơ sự, nhưng lợi dụng tật giật mình ấy để thử lòng vai phản diện. Cái hài hước khi những nhân vật thời phong kiến đến với một căn hộ thế kỷ 21, xem phim kiếm hiệp thì tưởng có thích khách thật, ngậm nước trong bồn cầu ra phun vào đám cháy, vv… cũng khá chi tiết. Nhưng như nhiều phim Hàn Quốc khác, Rooftop Prince cũng mắc phải khá nhiều lỗi. Bỏ qua vụ thẻ tín dụng “dỏm”, thì lỗi lớn nhất, khiến mình khó chịu nhất suốt cả phim chính là flashback tùm lum. Ai cũng biết flashback rất quan trọng, flashback để khán giả nhớ lại những sự kiện quan trọng, suy luận ra những điểm thắt mở của mạch phim. Nhưng flashback tùm lum, những flashback một đoạn thoại quá dài vừa chiếu xong đã phải flashback, làm mình ngán ngẩm vì dường như biên kịch cho rằng khán giả có trí nhớ ngắn hạn của Dori trong Finding Nemo. Chưa kể thời lương của phim bị ăn bớt, loãng nội dụng, tiết tấu trở nên nhàm chán. Trong khi đó, những điểm quan trọng mà cái kết cần nói đến thì không thấy, nhưng cái này mình sẽ dành nói sau.

Cũng mang tội làm loãng nội dung là căn bệnh đang hoành hoành trên các phim truyền hình dài tập Hàn Quốc: bệnh quảng cáo. Vẫn biết là văn hóa Hàn Quốc thịnh hành phần nhiều là do phim Hàn Quốc, nên sự xuất hiện của các sản phẩm trong phim sẽ có tác dụng quảng cáo cực lớn, nhưng quảng cáo quá lộ liệu giữa phim thì quá vô duyên. Không nói đến chuyện kẻ giàu người nghèo trong phim đều nhất loạt dùng Samsung Galaxy Note, chuyện này thì cũng chỉ như toàn bộ nhân vật City Hunter dùng iPhone 4S và toàn bộ nhân vật BOF dùng Samsung Haptic II mà thôi. Điều đáng nói là thời trang giới trẻ phong cách preppy của Nii rất đáng yêu, nhưng Thái tử lại lôi cận thần đi sắm sửa đồ Nii trong lúc cả ba cận thận đáng lẽ ra phải trốn chui trốn lủi, nếu bị bắt sẽ phải đối diện với tội lừa đảo. Ở điểm cao trào của phim, Thái tử bảo Park Ha mặc áo phông (lại là của Nii!!!!) của cận thần để đi câu cá, mặc dù nếu mặc áo phông của chính Park Ha thì cũng chẳng khác gì. Niềm đam mê thời trang của Thái tử quá thật đáng nể!! Giá như ác nữ Hong Sena cũng đam mê thời trang như vậy, cô đã không đi làm mà ăn vận lòe loẹt như tắc kè hoa! Giá như nữ chính Park Ha cũng chú ý đến hình ảnh như thế, cô đã đầu tư cho thời trang công sở hơn, vứt bớt mấy cái áo len bông xù chói lóa, thay thế những thể loại trang phục phá tướng đi. Dù rằng đoàn phim phải làm cách nào để báo đáp ân tình của nhà tài trợ, nhưng giá như phim có thể đảm bảo tính logic thì mình đã không bức xúc đến thế này.

Về những lỗ hổng kịch bản như biên kịch không biết cho Park Ha làm gì ngoài…tản bộ trong lúc các nhân vật khác bận rộn, tận ba anh cao to không đen và không hôi mới “áp giải” được một mình ác nữ (đã quy hàng) Hong Sena về bệnh viện phẫu thuật, để Thái tử một mình no đòn, vv… mình sẽ tạm không nói đến. Vì đã nói đến flashback bừa bãi và bệnh quảng cáo làm loãng nội dung, cuối cùng mình sẽ nói những gì cái kết của phim không thỏa mãn:

Thứ nhất, Park Ha tìm được mẹ ruột. Người mẹ ruột luôn muốn bù đắp cho sự thiếu thốn của đứa con gái thất lạc, Sena trước đó cũng âm mưu tước hết những gì thuộc về Park Ha, nhưng chính xác, sự bù đắp ấy là gì, Sena muốn cướp cái gì? Mẹ ruột của Park Ha và cô ôm nhau khóc ở sân bay, mừng mừng tủi tủi vì tìm được nhau, nhưng sau đó, bà không xuất hiện trở lại cho đến khi Sena đi đầu thú ở tập cuối. Phim không hề hé lộ Park Ha cảm thấy ngỡ ngàng thế nào khi phát hiện ra Sena là chị ruột, chủ tịch Jang là mẹ ruột, chủ tịch Jang suy nghĩ ra sao, có kế hoạch thế nào sau khi đoàn tụ. Bà cũng không hề thay đổi cuộc sống vốn có của Park Ha. Nói cách khác, người xem chờ mong giây phút Park Ha tìm được mẹ ruột để rồi nhún vai: à ra thế, tìm được rồi có để làm gì đâu (!)

Thứ hai, phim không giải thích được cái chết đáng ngờ của bà nội Taeyong. Biết rằng phía sau cái chết của người đàn bà quyền lực này là thư ký Hong Sena và vai phản diện Yong Taemu, nhưng hai kẻ trên đã làm gì khiến bà ngã cầu thang và tử vong, xô xát như thế nào, động cơ gì khiến chúng hành động, vv… không hề được nhắc đến.

Thứ ba, nhờ phước những cuộc tản bộ của Park Ha, flashback tùm lum và quảng cáo quá độ, tình yêu cổ tích của Park Ha và Thái tử đã không còn chướng ngại. Sau khi vạch mặt ác nữ Sena, đôi trẻ yêu nhau thắm thiết, hợp tác ăn ý, mối lo ngại duy nhất là Thái tử sẽ trở về thời Chosun. Phim không còn thời gian để xây dựng những thử thách tình yêu cho đàng hoàng, đành đem vụ “cưới ngay kẻo lỡ” ra cho đôi trẻ tranh cãi khi thực tế chẳng ai nghĩ đến chuyện đem ID của Yong Taeyong đi đăng ký kết hôn, cả hai đều đồng ý với một nghi lễ khá cheesy mà kết cục là Park Ha nước mắt đầm đìa hôn không khí. Cá nhân mình thì thích thời gian được tận dụng hết mức + một lời từ biệt đàng hoàng khi cả hai đều biết “it’s time for us to part” hơn là kiểu lấy nhau một cách khiên cưỡng.

Thứ tư, sau khi chuyện ở New York được kể xong, vai của Yong Taeyong không được quan tâm (thật đáng tiếc vì anh này cũng là một nhân vật khá thú vị). Làm thế nào mà một người ngoại quốc không rõ danh tính, không có tiền nong, được tìm thấy trong tình trạng nguy kịch ở New York lại được điều trị vừa đưa đến bệnh viện ở Chicago? Và kết phim, tại sao biên kịch lại mặc định một cách sơ sài người tốt được hưởng hạnh phúc, bà nội đã chết, Taeyong tỉnh lại chắc chắn sẽ được thừa hưởng công ty? Mình đang tự hỏi thật sự anh họa sĩ tùy hứng như Yong Taeyong thì biết gì về quản lý một tập đoàn mua sắm qua truyền hình, nhưng thôi, cuối phim anh vẫn có thời gian đi hẹn hò thì chắc là trốn được việc rồi.

Thứ năm, cái kết của phim cũng không cho Thái tử thời gian thể hiện tâm tư của anh khi phải xuống tay trừng phạt gia quyến của Pooyoung, ân nhân của mình. Phải mình, người yêu thầm mình hy sinh vì mình mà mình lại phải tù đày gia đình người ta nữa, nội tâm mình sẽ phải cắn xé nhau dữ dội. Nhưng không, Thái tử Lee Gak thương cảm cho Pooyoung thì cứ thương, nhưng trừng phạt thì cũng cứ thế mà tiến. Anh cũng không mảy may giật mình mà nhớ ra rằng chính mình đã ban cho Pooyoung ăn hết chỗ hồng tẩm độc ngay tại chỗ. Lee Gak cũng phải chịu một phần trách nhiệm về cái chết oan nghiệt của Pooyoung, nhưng biên kịch có lẽ đã vì ham mê vẻ đẹp trai của Park Yoochun mà đã để Thái tử được thanh thản.

Dễ tính một chút, thì trên bình diện phim truyền hình tình cảm, Rooftop Prince xứng đáng với sự yêu thích nồng nhiệt của khán giả. Yoochun tiến bộ đặc biệt trong ba vai diễn: Lee Gak, Yong Tae Yong, Lee Gak đóng vai Yong Taeyong (nôm na là Park Yoochun đóng vai Lee Gak đóng giả Yong Taeyong). Với Han Jimin thì mình khá thất vọng với vai Park Ha nhàm chán và sơ sài. Khó tính một chút, thì chuyện phim là điển hình của một câu chuyện cổ tích và thiếu đất để xây dựng chiều sâu nhân vật. Là một fan của Dép Lào Park Yoochun nên thôi thì đón nhận, phim chưa phải xuất sắc, nhưng diễn xuất của anh thì hơn cả những gì mình kỳ vọng.

Update tình hình tháng 11


Chào các bạn già và trẻ, những người bạn trên wordpress và những người bạn không quen (hoặc chưa quen :”>) dại dột đi lạc vào wordpress này,

Nói thật wordpress của mình không phải popular gì cho cam, nhưng mình cũng thấy hơi tội lỗi nếu đã bạn nào ghé thăm, nhìn thấy bài cuối cùng là từ hơn bốn tháng trước, chửi thầm rồi quay ra. Sự thật là từ khi vào năm nhất đại học, thời gian rảnh rỗi của mình cứ teo tóp lại dần dần 8-}. Giờ đi tắm và đi ngủ của mình là hai giờ sáng, và giờ về nhà của mình nhiều khi là 1 giờ sáng, vì đó cũng là giờ thư viện của trường đóng cửa và kick sinh viên out.

Dù sao thì hôm nay lương tâm mình đã cắn nhau quyết liệt, mình quyết định vào post một bài, tái ngộ với người quen thì tốt, không…thì thôi =))) Ngoài ra mình có (gây ra/tạo ra) một vài thay đổi với wordpress này. Ảnh banner có hàng cây đang đổi lá trong sương thu là do bố mình chụp ở Champaign-Urbana, Illinois. Định đổi cả theme, nhưng rồi quyết định theme này đơn giản, trung tính, dễ đọc, không màu mè, đối với mình thế là được rồi. Rồi mình cũng thay đổi menu một chút, nhưng do trình còi cộng với nhiệt huyết, mình đã xóa hẳn cái menu và không biết làm sao để khôi phục @@. Lười vào wordpress là bị như thế đấy T_T. Theo tin giờ chót thì mình đã lập lại menu mới như cũ rồi nhé =D.

Về fanfiction, thì nói thật đầu mình lúc nào cũng ấp ủ rất nhiều ý tưởng ý :”>. Nhưng mà mình ứ có thời gian, nên mình khất thôi =)).

À, đó là về fanfic mới thì có lẽ trong thời gian tới mình không có gì để giao nộp, còn về fic cũ, cũng có đôi điều muốn nói. Nỗi khổ tâm của bác sĩ Park viết hồi tháng 7 là fanfic đầu tiên và tính đến nay là duy nhất mà mình post và cho phép repost lên một số fansite, website. Mình cũng khá mừng khi có kha khá người chấp nhận và thích cái sự tửng vô biên của cái fic, nhưng không mừng lắm khi một số bạn không comment cho mình. Assume là tác giả nào chẳng thích được đọc comment, mình cũng thế thôi, nhưng mình không mong đợi tất cả bạn đọc phải comment cho fanfic của mình, đơn giản vì với thời gian biểu của mình, mình khó có thể trả lời tất cả các bạn được. Người đọc comment bằng lời đối thoại, mà tác giả không trả lời thì đối thoại sẽ thành độc thoại, còn gì awkward hơn thế? Mình không muốn đặt người quan tâm đến fic mình vào cảnh awkward, nên trong hiện tại và tương lai, mình sẽ không bao giờ dọa dẫm những bạn đọc chùa, và không bao giờ mong đợi tất cả người đọc phải comment.

Tuy nhiên, nếu bạn đã thích fic của mình và bày tỏ trong tin nhắn xin repost, thì tại sao lại không đưa những lời ấy vào comment nhỉ? Khi thấy có một bạn repost fic của mình trong blog mà lại để private, một tuần sau khi thấy bạn này xin repost trên fansite, mình đã hơi do dự, nhưng vẫn đồng ý như với tất cả các đề nghị khác. Những bạn khác đề nghị repost thì cũng tương tự, hầu như không mấy ai comment. Chỉ thấy hơi lạ là với công repost trên blog cá nhân, rồi lấy permission để repost trên fansite khác, tại sao những cảm nghĩ của các bạn trình bày trong tin nhắn, lại không thể viết thành comment nhỉ? Dù là hài lòng, không hài lòng, ngứa ngáy, thấy nhảm nhí, thấy giải trí, muốn oánh tác giả, đọc xong thấy hối hận, đọc xong thấy đau mắt, đọc xong thấy đau má, đọc xong thấy đau ốm, đọc xong thấy oán tác giả vì tội báng bổ… dù là gì thì mình vẫn cứ chấp nhận trong comment cơ mà? Nên tóm lại, thứ nhất, I don’t bite. Thứ hai, mình không chê comment, trong khi các bạn được quyền chê fic. Thứ ba, cha mẹ ơi, các bạn đừng kêu lười với ngại nha, xạo nha, mình ứ tin. Thứ tư, tất cả ba điều trên chỉ mang tính chất tham khảo, mình có ý kiến vậy thôi, comment hay không vẫn tùy vào các bạn.

Một điều nữa là repost, đến đây thì mình chuẩn bị xắn tay áo chửi đây :-L. Ngoài các fansite, website mình đã đồng ý một cách cực kỳ dễ dàng, thì wattpad là một trang có những thành viên mặt dày đem fic người khác đi post mà không hề xin phép :|. Những fic đem đi repost không được trình bày như nguyên bản, và đương nhiên người repost is assumed to be the author :-L. Mình tìm ra fic mình bị repost trên wattpad với tên tác giả NhungJung chỉ vài ngày sau khi chính mình đăng lên vnfiction và vcassiopet.net :|. Lời nhắn thì đã để lại nhưng bạn này chưa bao giờ trả lời, chưa bao giờ dỡ fic khỏi wattpad, chưa bao giờ xin lỗi và xin permission repost, chưa bao giờ bổ sung phần trình bày cũ có tên tác giả và những điều khác, cũng chưa bao giờ ngừng repost tràn lan các fic khác mà bạn này không thuộc quyền sở hữu. Bạn NhungJung, tôi nói thật là bạn mặt dày quá đấy :-L.

Màn chửi bới có lẽ phải dài hơn, nhưng đã bị cắt đi trong khâu kiểm duyệt 8-}. Bài update tình hình của mình cũng đã dài hơn dự kiến rồi, nên xin cầm váy nhún chào ở đây. Hẹn các bạn trẻ một ngày hơi xa =D.