[Review] Rent-a-Cat: Lấp đầy lỗ hổng trong trái tim


20120709-131520.jpg

Vốn là con mọt phim Hàn và phim Mỹ, mình chẳng mấy khi xem phim Nhật. Nếu họa hoằn mình thật sự xem phim Nhật thì chỉ có duy nhất hai khả năng: một, mình xem anime (hoạt hình Nhật) như Chobits, Conan, Doraemon…; hai, là mình mua vé máy bay của hàng không Nhật Bản, xem phim Nhật để giết thời gian. Rent-a-Cat không phải phim hoạt hình, nên đương nhiên rơi vào khả năng thứ hai.

Một vài bạn trẻ có lẽ biết rõ rằng cứ thỉnh thoảng vài tháng một lần, mình lên cơn khát khao chó mèo, thèm được ôm mấy nhóc xù lông này vào lòng, đôi khi còn lên craiglist tìm chó mèo trong thôn mặc dù rõ ràng chủ nhà mình thuê không cho nuôi chó mèo. Mình xem Rent-a-Cat cũng vì yêu các em mèo, nhưng bất ngờ là bên cạnh lũ mèo, mình còn yêu tất cả các nhân vật khác trong phim vì ai cũng đáng yêu, ngộ nghĩnh, từ ông già hàng xóm suốt ngày cạnh khóe tình trạng ế chỏng chơ của con gái nhà người ta đến anh bạn học cũ toàn đi ăn trộm vặt.

Nhân vật chính trong phim, Sayoko, là một cô gái sống ở vùng nông thôn, trong một căn nhà truyền thống mà bà ngoại để lại. Giống như bà ngoại đã khuất, Sayoko có một sức hút kỳ lạ với…mèo: mèo bị bỏ rơi, mèo đi lạc ở khắp nơi tìm về với cô. Trong nhà cô, mèo nằm ngủ, mèo đi dạo, mèo sưởi nắng, mèo chơi đuổi bắt chạy loăng quăng khắp nhà. Tuy vậy, Sayoko có zero sức quyến rũ với đàn ông, nên dù treo mấy tờ “thư pháp” trong nhà thể hiện quyết tâm lấy chồng, cô vẫn không có một mảnh tình vắt vai. Ngày ngày, Sayoko mặc những chiếc quần vải hoa hòe hoa sói rất chi là quê mùa, kéo xe dạo quanh làng, bắc loa rao:

“Rent-a-……….Neko. Neko neko…” (Neko – tiếng Nhật: mèo)

Chính xác, Rent-a-Cat là một công việc kinh doanh của Sayoko. Cô cho những người cô đơn thuê mèo để họ bớt đơn độc, tuy nhiên cũng rất cẩn thận theo họ về tận nhà để xem họ có giàu tình thương, đủ điều kiện để chăm sóc mèo hay không. Nếu qua được vòng sát hạch, Sayoko đưa họ “hợp đồng” ngộ nghĩnh chỉ có dăm bảy dòng viết tay trên giấy A4, và chỉ lấy phí thuê mèo 1000 yên Nhật. Những người thuê mèo đều cảm thấy vừa vui vừa áy náy, nhìn vẻ ngoài đậm chất “thôn nữ” của Sayoko mà lo rằng cô không thể kiếm sống với nghề này, nhưng Sayoko vui vẻ nói cô có những công việc ổn định khác mà cô thành đạt từ nhỏ như chơi cổ phiếu (một trong những em mèo quyết định cô sẽ mua cổ phiếu nào), sáng tác nhạc nền quảng cáo (một em mèo khác bước trên phím đàn organ, tạo thành giai điệu), và xem tử vi (lại một em mèo khác chọn lá số cho các thiện nam tín nữ). LOL.

Cốt truyện của Rent-a-Cat xoay vòng với những người thuê mèo và những ngày hè rảnh rỗi của Sayoko. Những người thuê mèo của Sayoko đều là những người giàu tình thương nhưng có một lỗ hổng trong trái tim. Lỗ hổng trong trái tim bà cụ tốt bụng giống như cốc thạch cam bị xắn một miếng ở giữa, khi cháu trai không còn về thăm, bà thuê một chú mèo lông vàng hiền lành của Sayoko để yêu thương và được yêu thương. Ông bác nọ buồn vì không thể sống cùng vợ con, đứa con gái bé bỏng quấn quít lấy bố ngày xưa giờ lớn lên lại không thể chịu được ông già bốc mùi. Bé mèo nhị thể loắt choắt của Sayoko thì lại thích cái mùi mồ hôi ấy, thế rồi không chỉ lỗ rách ở chiếc tất chân của ông bác được khâu lại, lỗ hổng trong trái tim ông cũng được lấp đầy khi ông về sống với gia đình, bé mèo cũng về ở với ông luôn.

Một thông điệp rất hay mà thế giới hiện đại nơi chúng ta đang sống không có mấy người công nhận, đó là chúng ta không thể xếp hạng, phân loại mọi thứ trên đời, bởi vì thứ hạng không làm nên bản chất. Văn phòng cho thuê mèo của thị trấn phân loại mèo hạng A thuê mất 10,000 yên, là mèo ngoại thuần chủng, các giống mèo Ba Tư, Bengal, … được dạy dỗ cẩn thận, biết ngoáy đuôi mừng khi chủ về nhà; mèo hạng B 7,000 yên, là mèo Nhật, biết kêu meo meo khi được gọi tên, mèo hạng C, giá thuê 5,000 yên, là những con mèo đi lạc hoặc giống lai. Sayoko đập bàn, kiên quyết nói với cô nhân viên rằng mình sẽ thuê mèo hạng C với giá thuê mèo hạng A, bởi vì “mọi con mèo đều bình đẳng”: mèo lai không có nghĩa là chúng thấp kém hơn mèo thuần chủng, mèo Nhật không có gì thua kém mèo ngoại.

Tương tự, khi văn phòng này chuyển sang cho thuê những chiếc xe du lịch theo hạng A, B, C tùy theo chất lượng và tuổi thọ (nghe có vẻ rất hợp lý), Sayoko cũng không đồng ý. Bà ngoại cô ngày xưa từng nâng niu chăm chút cho chiếc xe hơi cà tang như thể đó là một chiếc Mercedes, dù rằng mỗi khi khởi động xe, bà đều lẩm bẩm “Cố lên nào, tao trông cậy cả vào mày đấy xe ạ.” Sayoko cuối cùng nói với cô nhân viên rằng:

“Này cô, cô không thể cứ phân loại mọi thứ như thế được. Thứ hạng của mọi vật trên đời đều không quan trọng bằng việc con người ta yêu thương chúng như thế nào.”

Mèo của Sayoko chắc chắn là hạng C, nhưng chúng không thua gì mèo hạng A, thậm chí còn giúp cô xem bói, chơi cổ phiếu, sáng tác nhạc, và nếu được yêu thương, chúng sẽ yêu thương lại những người đang thấy trống trải trong tim. Sau hai lần “làm loạn” văn phòng cho thuê mèo/xe, Sayoko làm bạn với cô nhân viên và còn cho cô gái nguyên tắc và quá cô đơn này thuê mèo miễn phí. Nhận ra rằng cô này thích cắn vòng quanh chiếc donut cho nhỏ lại, rồi nhét cả phần còn lại của chiếc bánh vòng vào miệng để “ăn được cả lỗ hổng của chiếc bánh”, Sayoko bảo cô rằng những lỗ hổng ấy không phải để nuốt chửng mà là để lấp đầy.

Nói về một thế giới mà mọi vật không cần phải phân biệt thứ hạng, đó là một thế giới tuyệt vời khi mà con người trân trọng nhau, trân trọng những chú mèo, những chiếc xe, và mọi thứ, một cách chân thành, giá trị của mọi thứ chỉ đơn thuần là bao nhiêu yêu thương những thứ này cho và nhận.

Nói về một thế giới mà hầu như mọi thứ đều có thứ hạng, đó là thế giới chúng ta đang sống. Nói một cách hài hước, những cô gái như Sayoko, với vòng một khiêm tốn cỡ A-cup, hẳn đều là hạng C. Thực tế, những đứa trẻ có điểm kém đều bị xếp loại Học sinh Trung bình trong học bạ, giáo viên chủ nhiệm tha hồ chê chúng là dốt, là lười, mà không phải người thầy nào cũng biết hoặc quan tâm rằng chúng có thế là những đứa trẻ rất ngoan và thông minh lanh lợi không phải theo kiểu sách vở. “Trung bình” là một từ nặng nề khi chúng chỉ khác chứ chưa chắc đã thua kém những học sinh “Giỏi”, “Xuất sắc” về tư chất. Một đứa học trò tuổi thiếu niên bị cô giáo ở trường cạnh khóe rằng điều kiện tài chính của gia đình không sánh được với gia đình các trò khác trong lớp (chuyện thật), nhưng cô không biết rằng gia đình đứa trò này không bao giờ để con mình cảm thấy thua thiệt hoặc thiếu thốn. Con người phân biệt Học sinh Trung bình với Học sinh Tiên Tiến, Giỏi và Xuất sắc, học trò dùng điện thoại xoàng và học trò mỗi ngày dùng một điện thoại, sinh viên đi xe đạp và sinh viên đi xe tay ga, chồng hoặc vợ ngoại tỉnh và chồng hoặc vợ người thành phố… Trong cái thực tế phũ phàng, sức học, phụ kiện, phương tiện, quê quán… trở thành thước đo giá trị, chứ không phải là con người được yêu thương, trân trọng đến mức nào bởi những người xung quanh. Rent-a-Cat ngọt ngào, dịu dàng là vậy, nhưng cuộc sống hiện đại thì không thể giản đơn và trong trẻo đến thế. Đôi lúc mình ngẩn ngơ nghĩ nếu giá một chiếc BMW chỉ bằng với giá một chiếc xe hạng xoàng (đương nhiên là giả thiết thôi, chi phí sản xuất đâu phải đơn giản), các đại gia sẽ đỡ xót của khi xe tanh bành giữa đường phố Việt Nam đông đúc. Nếu không còn các danh hiệu Học sinh Trung bình, Tiên tiến, Giỏi và Xuất sắc, điểm chác sẽ bớt lạm phát, thi cử bớt đi tình trạng tiêu cực và một cơ số các em học sinh sẽ bớt phải ăn hành hoặc tự ti, và một cơ số khác sẽ bớt tinh tướng.

Rent-a-Cat có một tiết tấu chậm, cốt truyện xoay vòng, nhiều câu thoại hay và giản dị, lại có không khí trong lành và mát mẻ như một cốc trà đại mạch ướp lạnh giữa trưa hè. Mình xem phim này vì yêu mèo và nhận lại nhiều hơn thế. Và rốt cuộc, Sayoko đang là mẫu hình lý tưởng về cuộc sống mà mình muốn, mặc dù cô khá khác biệt. Cô học không giỏi, không có bạn bè, không một mảnh tình vắt vai, nhưng không bao giờ cô đơn vì cô có bà ngoại, và khi bà mất, cô có lũ mèo. Cô sống vừa đủ, không tham lam, không gò bó bản thân, thảnh thơi xếp ống tre nấu mì lạnh, ngồi trước hiên nhà nhấm nháp thức uống mùa hè. Và tự nhiên mình cũng muốn như thế, được kéo chiếc xe chở mèo lang thang khắp nơi, bắc loa rao: “Ai thuê mèo không? Ai cô đơn, tớ sẽ cho mượn một con mèo!”

20120709-131700.jpg

20120709-131753.jpg

[Review] Rooftop Prince: Hoàng tử dép lốp và cô gái nghèo


Do mình cũng đã hứa hẹn viết một bài review sau khi Rooftop/Flip flop Prince kết thúc để so sánh giữa hai phim Rooftop Prince và Sungkyunkwan Scandal mà do thói lười, trước hết mình sẽ review Rooftop Prince cái đã.

Trước hết là plot. Thái tử Lee Gak thời Chosun đau lòng vì thái tự phi bị sát hại, cùng với ba cận thần điều tra tìm hiểu vụ án, nhưng họ bất ngờ bị hút vào lỗ hổng thời gian, bị đưa đến một gác mái năm 2012. Ở đây, Thái tử và đồng bọn dần dần tìm hiểu được chân tướng sự thật.

Overall thì Rooftop Prince là một bộ phim nhẹ nhàng với kết thúc có hậu, người tốt được minh oan, kẻ ác được trừng trị. Thái tử quay trở về Chosun, vạch mặt những kẻ phản bội, khám phá ra nguyên nhân cái chết oan nghiệt và mối tình đơn phương của cô gái khuôn mặt mang vết sẹo. Ở thời hiện đại, kiếp sau của Thái tử tỉnh lại từ cơn hôn mê, gặp lại Park Ha và hai người viết nốt chuyện tình còn dang dở từ trăm năm trước. Cái kết viên mãn và thực sự khá dễ hiểu (mà chẳng hiểu sao dân tình uống nhiều fristi suy luận ra bao nhiêu thứ nhập hồn loạn xạ =)) ). Tuy nói rằng người đến với Park Ha là cả Gấc version 300 năm trước lẫn Taeyong ISO 2012 cũng có phần đúng, nhưng theo thiển ý hết sức thực tế của mình, người Park Ha gặp ở cuối phim là Taeyong. Anh nói “Em đã ở đâu vậy? Anh đã chờ lâu lắm rồi” là theo nghĩa đen, còn câu trả lời của Park Ha, người biết được mối gắn kết của số phận hai người từ 300 năm trước, là theo nghĩa bóng. Đoạn kết này làm mình nhớ đến Meet Joe Black, khi Thần chết si tình trở về thế giới bên kia và Joe Black thật sự trở về với người đẹp. Tương tự như thế, Taeyong chưa từng cùng Park Ha trải qua những chuyện vui buồn, chỉ là từng hai lần tán cô này, một lần lỡ hẹn, vv… Nhưng Park Ha vẫn đến với Taeyong vì đó là số phận mà cô ấy biết trước, rằng thế nào chemistry giữa hai người cũng sẽ work out xD.

Mặc dù trước đó Yoochun đã thể hiện vai Lee Seonjoon khá ấn tượng trong Sungkyunkwan Scandal, nhưng có lẽ chỉ đến phim này, diễn xuất của anh mới được khen ngợi nhiệt liệt bởi báo đài và khán giả. Anh thể hiện hai vai Thái tử Lee Gak, khuôn mặt nghiêm trang, dùng ngôn ngữ cổ trang, giọng điệu uy nghiêm dõng dạc, và vai Taeyong, anh chàng họa sĩ phóng khoáng của thế kỷ 21. So với hình ảnh Lee Seonjoon phần đầu của SKKS quá nghiêm và có phần gượng, thì vai cổ trang do Yoochun thể hiện lần này tốt hơn nhiều. Vẻ mặt sợ sệt của Thái tử khi lạc giữa thế giới hiện đại chính là một trong hai cỗ máy chọc cười lớn nhất phim (cỗ máy chọc cười còn lại, rất tiếc không phải nhân vật nữ chính bi lụy mà là cận vệ Woo, anh chàng to xác, võ công cao cường nhưng đầu óc đơn giản, lại hay bị bắt nạt). Điểm mà mình nhận thấy vai Lee Gak kém phần thú vị, đó là nhân vật này không phát triển nhiều. Trải qua một cuộc phiêu lưu, có khi sự phát triển về tính cách của chàng Thái tử mê đồ ngọt này là…yêu thương cận thần hơn (?!). Vai nho sinh Lee Seonjoon của SKKS ban đầu tuy xuất sắc về học vấn nhưng do “sống và làm việc theo nguyên tắc đạo đức” quá cứng nhắc nên còn kiêu ngạo và thiếu sót nhiều. Chính những khuyết điểm ấy tạo điều kiện cho nhân vật phát triển thêm theo mạch phim. Nhưng vai Thái tử lần này, tự thân đã đa mưu túc trí lại giàu tình cảm, đến thế giới hiện đại lại thêm tài diễn xuất (đóng giả kiếp sau của mình), nên không biết phải cải thiện chỗ nào. Nhân vật của Yoochun vì thế mà quá điển hình hoàn hảo.

Nghiêm túc mà nói thì mình không thích vai Park Ha vì trong khá nhiều tập phim, vai trò của Park Ha khá vô ích. Trong lúc các nhân vật khác chạy đôn chạy đáo đi lo công chuyện, Park Ha thường…thơ thẩn đi dạo, mặt buồn rười rượi và flash back lại những chuyện mới xảy ra 30 giây trước (trong thời lượng phim, 30 giây là khoảng thời gian khán giả vẫn nhớ rõ cảnh trước, chả cần flashback tốn thời gian). Vai của Park Ha là điển hình của nàng Lọ Lem hiền lành chăm chỉ bị con riêng của mẹ kế bắt nạt, cũng là điển hình của nàng Bạch Tuyết chu đáo sống êm ấm với Hoàng tử và ba chú không-lùn-lắm. Một phần do kịch bản và góc quay, một phần do cách diễn xuất, mình ngầm gọi Park Ha là cô nàng Quay Đi Và Khóc, bởi đến phân nửa những cảnh với Thái tử, cô luôn quay ngoắt lưng lại, nước mắt lưng tròng. Tưởng tượng bạn đang nói chuyện đúng sai với bạn gái, cô ấy cứ quay ngoắt đi để bạn nói chuyện với…gáy, thì bạn có điên không?

Mình đã khấp khởi hy vọng Park Ha sẽ lột xác từ sau tập 6-7-8 gì đó khi cô phát hiện ra con riêng của mẹ hãm hại khiến mình bị lạc mất gia đình suốt chục năm trời, cũng đã hí hửng mừng thầm khi cô trợn mắt cảnh cáo ác nữ này. Cứ ngỡ sau đó Park Ha sẽ mạnh mẽ và cầu tiến, nhưng không, cô vẫn đa sầu đa cảm và hầu như luôn luôn thụ động. Cô tìm tung tích mẹ ruột một cách thụ động trong suốt 2/3 thời lượng phim, ghét con riêng của mẹ kế một cách thụ động trong 4/5 thời lượng phim, trơ mắt nhìn nhân vật phản diện đến đập phá nhà cửa vườn tược của mình, và thậm chí khi bị bắt cóc còn lăn ra vì thuốc mê trong 1.5 giây mà không kịp phản kháng. Park Ha chỉ đe dọa vai phản diện Taemu theo kế hoạch Thái tử vạch ra, và cũng chỉ đăng ảnh tìm mẹ ruột sau khi bị lừa đẹp. Cuối phim, cô làm chủ cửa hàng nước quả ép mà cận thần của Thái tử dành tiền gây dựng. Nếu không có họ, có khi Park Ha vẫn thất nghiệp và nghèo xác xơ vì bà mẹ ở tuốt bên Hồng Kông không thấy quay lại. Nói cách khác, nhân vật của cô cần phải vặn tua vít mới hoạt động, mà hành động của cô quá dễ đoán và nhàm chán.

Cùng là Han Jimin đóng, lại chỉ xuất hiện ở tập đầu và tập cuối phim, nhưng vai Pooyoung thời Chosun ấn tượng hơn nhiều. Thời này, là con nhà tể tướng, em gái của Thái tử phi, Pooyoung vừa giỏi văn chương, thêu thùa, vừa đa mưu túc trí. Đáng lẽ được tiến cung làm vợ Thái tử, nhưng do chị gái, cô phải mang một vết sẹo lớn trên mặt, cả đời phải đeo mạng và ôm mối tình câm. Biết được Thái tử phi và nhà tể tướng cấu kết với người ngoài âm mưu hãm hại Thái tử, Pooyoung tức tốc vào cung giữa đêm khuya, giải câu đố của Thái tử và chỉ xin một đĩa hồng mà Thái tử phi đã tẩm thuốc độc để giết Thái tử. Trước khi  chết, cô đổi áo với Thái tử phi để cứu mạng thân quyến của mình và để lại một lá thư trong bức vách, hẹn Thái tử ở kiếp sau. Ở Pooyoung, về tính cách, sự hiền lành dễ bảo vẫn thường thấy, nhưng về hành động, cô gan dạ và mưu trí hơn kiếp sau của mình nhiều. Nếu như Park Ha lao ra trước xe hơi để đẩy Lee Gak ra vì cô không có lựa chọn nào khác, thì sự hy sinh của Pooyoung lớn lao hơn vì cô thể sống, nhưng Pooyoung chọn cách chết thay cho Thái tử, người không có duyên và cũng không yêu mình, và còn tìm cách để gia tộc mình tránh khỏi tai vạ. Điều đáng tiếc là thật sự Pooyoung dường như không được ai yêu thương: chị gái là Thái tử phi thì đố kỵ, Thái tử thì chỉ coi như em gái hay bạn thơ phú, gia tộc tể tướng thì âm mưu điều gì không cho cô biết. Tuy nhiên, Pooyoung vẫn có thể coi là điểm sáng nhất phim.

 

Về kịch bản, có khá nhiều phân đoạn kịch tính khi người tốt cảnh cáo kẻ ác, báo hiệu rằng sự thật sẽ luôn luôn được phơi bày. Kẻ ác thì hay có tật giật mình, nhưng cái hay là Thái tử không biết rõ cơ sự, nhưng lợi dụng tật giật mình ấy để thử lòng vai phản diện. Cái hài hước khi những nhân vật thời phong kiến đến với một căn hộ thế kỷ 21, xem phim kiếm hiệp thì tưởng có thích khách thật, ngậm nước trong bồn cầu ra phun vào đám cháy, vv… cũng khá chi tiết. Nhưng như nhiều phim Hàn Quốc khác, Rooftop Prince cũng mắc phải khá nhiều lỗi. Bỏ qua vụ thẻ tín dụng “dỏm”, thì lỗi lớn nhất, khiến mình khó chịu nhất suốt cả phim chính là flashback tùm lum. Ai cũng biết flashback rất quan trọng, flashback để khán giả nhớ lại những sự kiện quan trọng, suy luận ra những điểm thắt mở của mạch phim. Nhưng flashback tùm lum, những flashback một đoạn thoại quá dài vừa chiếu xong đã phải flashback, làm mình ngán ngẩm vì dường như biên kịch cho rằng khán giả có trí nhớ ngắn hạn của Dori trong Finding Nemo. Chưa kể thời lương của phim bị ăn bớt, loãng nội dụng, tiết tấu trở nên nhàm chán. Trong khi đó, những điểm quan trọng mà cái kết cần nói đến thì không thấy, nhưng cái này mình sẽ dành nói sau.

Cũng mang tội làm loãng nội dung là căn bệnh đang hoành hoành trên các phim truyền hình dài tập Hàn Quốc: bệnh quảng cáo. Vẫn biết là văn hóa Hàn Quốc thịnh hành phần nhiều là do phim Hàn Quốc, nên sự xuất hiện của các sản phẩm trong phim sẽ có tác dụng quảng cáo cực lớn, nhưng quảng cáo quá lộ liệu giữa phim thì quá vô duyên. Không nói đến chuyện kẻ giàu người nghèo trong phim đều nhất loạt dùng Samsung Galaxy Note, chuyện này thì cũng chỉ như toàn bộ nhân vật City Hunter dùng iPhone 4S và toàn bộ nhân vật BOF dùng Samsung Haptic II mà thôi. Điều đáng nói là thời trang giới trẻ phong cách preppy của Nii rất đáng yêu, nhưng Thái tử lại lôi cận thần đi sắm sửa đồ Nii trong lúc cả ba cận thận đáng lẽ ra phải trốn chui trốn lủi, nếu bị bắt sẽ phải đối diện với tội lừa đảo. Ở điểm cao trào của phim, Thái tử bảo Park Ha mặc áo phông (lại là của Nii!!!!) của cận thần để đi câu cá, mặc dù nếu mặc áo phông của chính Park Ha thì cũng chẳng khác gì. Niềm đam mê thời trang của Thái tử quá thật đáng nể!! Giá như ác nữ Hong Sena cũng đam mê thời trang như vậy, cô đã không đi làm mà ăn vận lòe loẹt như tắc kè hoa! Giá như nữ chính Park Ha cũng chú ý đến hình ảnh như thế, cô đã đầu tư cho thời trang công sở hơn, vứt bớt mấy cái áo len bông xù chói lóa, thay thế những thể loại trang phục phá tướng đi. Dù rằng đoàn phim phải làm cách nào để báo đáp ân tình của nhà tài trợ, nhưng giá như phim có thể đảm bảo tính logic thì mình đã không bức xúc đến thế này.

Về những lỗ hổng kịch bản như biên kịch không biết cho Park Ha làm gì ngoài…tản bộ trong lúc các nhân vật khác bận rộn, tận ba anh cao to không đen và không hôi mới “áp giải” được một mình ác nữ (đã quy hàng) Hong Sena về bệnh viện phẫu thuật, để Thái tử một mình no đòn, vv… mình sẽ tạm không nói đến. Vì đã nói đến flashback bừa bãi và bệnh quảng cáo làm loãng nội dung, cuối cùng mình sẽ nói những gì cái kết của phim không thỏa mãn:

Thứ nhất, Park Ha tìm được mẹ ruột. Người mẹ ruột luôn muốn bù đắp cho sự thiếu thốn của đứa con gái thất lạc, Sena trước đó cũng âm mưu tước hết những gì thuộc về Park Ha, nhưng chính xác, sự bù đắp ấy là gì, Sena muốn cướp cái gì? Mẹ ruột của Park Ha và cô ôm nhau khóc ở sân bay, mừng mừng tủi tủi vì tìm được nhau, nhưng sau đó, bà không xuất hiện trở lại cho đến khi Sena đi đầu thú ở tập cuối. Phim không hề hé lộ Park Ha cảm thấy ngỡ ngàng thế nào khi phát hiện ra Sena là chị ruột, chủ tịch Jang là mẹ ruột, chủ tịch Jang suy nghĩ ra sao, có kế hoạch thế nào sau khi đoàn tụ. Bà cũng không hề thay đổi cuộc sống vốn có của Park Ha. Nói cách khác, người xem chờ mong giây phút Park Ha tìm được mẹ ruột để rồi nhún vai: à ra thế, tìm được rồi có để làm gì đâu (!)

Thứ hai, phim không giải thích được cái chết đáng ngờ của bà nội Taeyong. Biết rằng phía sau cái chết của người đàn bà quyền lực này là thư ký Hong Sena và vai phản diện Yong Taemu, nhưng hai kẻ trên đã làm gì khiến bà ngã cầu thang và tử vong, xô xát như thế nào, động cơ gì khiến chúng hành động, vv… không hề được nhắc đến.

Thứ ba, nhờ phước những cuộc tản bộ của Park Ha, flashback tùm lum và quảng cáo quá độ, tình yêu cổ tích của Park Ha và Thái tử đã không còn chướng ngại. Sau khi vạch mặt ác nữ Sena, đôi trẻ yêu nhau thắm thiết, hợp tác ăn ý, mối lo ngại duy nhất là Thái tử sẽ trở về thời Chosun. Phim không còn thời gian để xây dựng những thử thách tình yêu cho đàng hoàng, đành đem vụ “cưới ngay kẻo lỡ” ra cho đôi trẻ tranh cãi khi thực tế chẳng ai nghĩ đến chuyện đem ID của Yong Taeyong đi đăng ký kết hôn, cả hai đều đồng ý với một nghi lễ khá cheesy mà kết cục là Park Ha nước mắt đầm đìa hôn không khí. Cá nhân mình thì thích thời gian được tận dụng hết mức + một lời từ biệt đàng hoàng khi cả hai đều biết “it’s time for us to part” hơn là kiểu lấy nhau một cách khiên cưỡng.

Thứ tư, sau khi chuyện ở New York được kể xong, vai của Yong Taeyong không được quan tâm (thật đáng tiếc vì anh này cũng là một nhân vật khá thú vị). Làm thế nào mà một người ngoại quốc không rõ danh tính, không có tiền nong, được tìm thấy trong tình trạng nguy kịch ở New York lại được điều trị vừa đưa đến bệnh viện ở Chicago? Và kết phim, tại sao biên kịch lại mặc định một cách sơ sài người tốt được hưởng hạnh phúc, bà nội đã chết, Taeyong tỉnh lại chắc chắn sẽ được thừa hưởng công ty? Mình đang tự hỏi thật sự anh họa sĩ tùy hứng như Yong Taeyong thì biết gì về quản lý một tập đoàn mua sắm qua truyền hình, nhưng thôi, cuối phim anh vẫn có thời gian đi hẹn hò thì chắc là trốn được việc rồi.

Thứ năm, cái kết của phim cũng không cho Thái tử thời gian thể hiện tâm tư của anh khi phải xuống tay trừng phạt gia quyến của Pooyoung, ân nhân của mình. Phải mình, người yêu thầm mình hy sinh vì mình mà mình lại phải tù đày gia đình người ta nữa, nội tâm mình sẽ phải cắn xé nhau dữ dội. Nhưng không, Thái tử Lee Gak thương cảm cho Pooyoung thì cứ thương, nhưng trừng phạt thì cũng cứ thế mà tiến. Anh cũng không mảy may giật mình mà nhớ ra rằng chính mình đã ban cho Pooyoung ăn hết chỗ hồng tẩm độc ngay tại chỗ. Lee Gak cũng phải chịu một phần trách nhiệm về cái chết oan nghiệt của Pooyoung, nhưng biên kịch có lẽ đã vì ham mê vẻ đẹp trai của Park Yoochun mà đã để Thái tử được thanh thản.

Dễ tính một chút, thì trên bình diện phim truyền hình tình cảm, Rooftop Prince xứng đáng với sự yêu thích nồng nhiệt của khán giả. Yoochun tiến bộ đặc biệt trong ba vai diễn: Lee Gak, Yong Tae Yong, Lee Gak đóng vai Yong Taeyong (nôm na là Park Yoochun đóng vai Lee Gak đóng giả Yong Taeyong). Với Han Jimin thì mình khá thất vọng với vai Park Ha nhàm chán và sơ sài. Khó tính một chút, thì chuyện phim là điển hình của một câu chuyện cổ tích và thiếu đất để xây dựng chiều sâu nhân vật. Là một fan của Dép Lào Park Yoochun nên thôi thì đón nhận, phim chưa phải xuất sắc, nhưng diễn xuất của anh thì hơn cả những gì mình kỳ vọng.

[Review] Blue Salt/Hindsight (2011)


Tên khác : Blue Salt / Pureun Sogeum

Đạo diễn: Lee Hyun-Seung

Nước sản xuất: Korea

Thế loại : hình sự, trinh thám

Năm sản xuất: 2011

Diễn viên :Song Kang Ho, Shin Se Kyung, Chun Jung Myung, Kim Min Joon

Nội dung : Phim là cậu chuyện về cuộc đời của một người đàn ông – nhân vật do nam diễn viên thực lực Song Kang Ho đảm nhận – người muốn từ bỏ quá khứ đen tối của mình để trở về một cuộc sống bình thường sau khi vô tình gặp gỡ một người phụ nữ bí mật. Tại thời điểm mối quan hệ của cả hai dần phát triển, cũng là lúc họ rơi vào vòng nguy hiểm của số phận. (Theo KST.VN)

Cuối cùng thì mình cũng đủ kiên nhẫn xem hết Blue Salt. Xem xong thì thở dài, tự nhủ: già đầu rồi mà còn bị gái đẹp nó lòe.

Ấy, mình không nói nhân vật chính dại gái, mình nói chính mình ấy nhé. Mặc dù Shin Sekyung mặt mũi bầu bĩnh trắng trẻo, tóc tai quần áo giống kiểu mấy em hotgirl đang học cấp III ở nhà, không phải là đẹp kiểu mình thích, nhưng mà thôi cứ công nhận em nó xinh. Mình bị lừa một phần cũng vì hình thức. Phần còn lại là vì tên tuổi Song Kangho, Chun Jungmyung…toàn diễn viên gạo cội. Xem xong thì chép miệng tiếc rẻ: diễn viên gạo cội, dự án được đầu tư, gái đẹp (diễn xuất làng nhàng) đã có, nhưng kịch bản…nhạt quá!

Thôi thì để mình chê trước cho bõ cơn bức xúc. Thứ nhất, nhân vật nữ chính không triển vọng như quảng cáo. Này thì moto (quả moto không hầm hố lắm, thôi thì thông cảm em Sekyung thấp bé chắc không xử lý được xe nào kềnh càng), này thì áo da, này thì tóc nhuộm đuôi bò tỉa dưới mất trên còn, này thì mắt khói, này thì súng ống… Vai của Sekyung vẫn thất bại với hình tượng femme fatal, đơn giản chỉ vì em nữ chính này quá trẻ con. Cả tính cách lẫn ngoại hình của Sebin đều không đủ quyến rũ, không đủ mạnh mẽ. Khuôn mặt Shin Sekyung, dù được trang điểm kiểu lạnh, nhưng diễn xuất thì không thể hiện được vì động tí là em này đã lại khóc ngon lành rồi, sát thủ mà sốt siếc rồi ngất lên ngất xuống, bắn xong khóc tutu 8-}. Tính cách nhân vật khá nông, dễ đoán. Khoản hành động quá sơ sài, dường như Shin Sekyung chỉ học lái moto với giương súng xong là đủ để xử lý vai sát thủ, không cần bất cứ chiêu tung cước nào. Vẫn biết ý đồ của pha hành động trong phim là vào súng và viên đạn đặc biệt, nhưng nhân vật dùng súng cũng có lúc phải đánh đấm, khống chế đối thủ nọ kia. Súng không phải là vũ khí toàn năng, đặc biệt là với một cô gái dáng vóc như Sebin, hất một cái là bay. Shin Sekyung phải học tập Park Minyoung, nữ chính của City Hunter về mặt đánh đấm thôi.

Thứ hai, nhân nói đến chuyện đánh đấm, cảnh hành động của phim khá hời hợt. Những pha nhả đạn đầy nước mắt của Sebin không có gì đáng nói (đến giờ mình cứ bị ấn tượng là bạn Sebin sẽ khóc trước và sau khi bắn, không sai được đâu =)) ), đạn bay thẳng theo nguyên tắc vật lý, hết. Một đám gangster nhảy vào nhà nhân vật chính, nhân vật chính cầm cự rồi được cứu, xong. Xe hơi bị bắn lủng kính, dừng lại nghe ngóng, xong quay đầu chạy. Không có những cú song phi đẹp mắt, không có kỹ xảo tạo cảnh viên đạn muối xuyên vào cơ thể, không có cảnh rượt đuổi kịch tính vừa chạy xe vừa bắn nhau. Tệ nhất là, nam nữ chính trong một phim hành động mà không có cảnh hành động nào với nhau hết, người lái xe, người ngồi nhìn. Người bắn, người…trúng đạn. Nhạt.

Thứ ba, yếu tố lãng mạn thua thảm hại. Hai nhân vật chính không có chemistry. Mình chưa bao giờ có định kiến với khoảng cách tuổi tác trong các chuyện tình, nhưng phim nhạc Hàn Quốc hiện nay không khéo khắc họa những mối tình chú cháu thì phải. MV Cry Cry của T-Ara cũng có một chuyện tình thù ân oán không rõ ràng giữa một ông bounty hunter và cô gái mồ côi, một câu chuyện khá gượng ép và nhiều điểm vô lý đến mức buồn cười (ví dụ, bounty hunter trúng đạn, cô gái vừa lái xe vừa khóc nhưng không chở đến bệnh viện mà lái xe từ đêm đến sáng, chú bounty hunter tội nghiệp chết vì mất máu), nhưng dù sao đó cũng chỉ là video ca nhạc. Còn trong Blue Salt, Song Kangho dù là diễn viên gạo cội, cũng chỉ gây cười vì sự ngố tàu khi cưa một cô gái quá trẻ so với mình. Shin Sekyung thì theo kịch bản là vừa yêu vừa thấy tội lỗi vì phải hoàn thành nhiệm vụ, nhưng nhìn chung là giữa hai diễn viên không tạo được chemistry. Tình tiết hẹn hò không mới mẻ, lại là chụp hình tự sướng trong bốt chụp ảnh, như Stairway to Heaven, Naked Kitchen, và chục phim Hàn Quốc khác.

(còn tiếp)

[Review] Hoa Mộc Lan (2009) – Triệu Vy, Trần Khôn


Như đã nói, dịp break này mình không có một kế hoạch ăn chơi ngủ nghỉ cụ thể nào, nên hiện giờ mình khá bê tha, chỉ biết đắm mình vào phim ảnh cho hết ngày. Điểm tích cực là mình đã và đang “luyện” được những phim mình đã muốn xem từ lâu.

Hai năm trước, nghĩa là từ trước khi mình đi du học, mình đã mò lên mạng xem Hoa Mộc Lan bản điện ảnh có Triệu Vy đóng vai chính, nhưng lần ấy chưa xem được hết phim, lại còn dừng lại ngay khúc anh nam chính giả chết, làm mình tưởng anh ngỏm thật rồi, thảng thốt biết bao nhiêu :”>. Đến hôm qua mới xem lại được đầy đủ.

Chủ quan mà nói, phim hay! Trước khi xem phim mình không thích đọc ý kiến chuyên môn, nên những lời phê bình chỉ nên để dành tham khảo sau khi xem phim thôi :>. Câu chuyện của Hoa Mộc Lan vẫn là về người con gái cải trang nam nhi, thay cha tòng quân, đi đánh giặc 12 năm mới quay lại cố hương. Lần này, trong doanh trại, Mộc Lan gặp Văn Thái, hai người cùng kề vai sát cánh bên nhau, trải qua nhiều thăng trầm, được phong làm tướng. Cuối cùng, Mộc Lan giết được Thiền Vu của Nhu Nhiên, chiến tranh kết thúc. Văn Thái thực ra lại là hoàng tử nước Ngụy, phải lấy công chúa Nhu Nhiên để bình ổn quan hệ hai nước. Mộc Lan về quê cũ, sống với cha già.

Và cũng theo ý kiến chủ quan, chưa ai đóng Hoa Mộc Lan tốt hơn Triệu Vy. Cô ấy diễn vai tướng quân bằng khuôn mặt rắn đanh, mạnh mẽ nhưng không cứng nhắc, đa cảm nhưng không yếu đuối. Hơn cả tưởng tượng của mình xD. Có lẽ mình yêu Mộc Lan của Triệu Vy đến thế vì các em Hoa Mộc Lan mà phấn son khả ái, da trắng hơn hẳn da anh em quân sĩ, nói cười toe toét vô tư, suốt ngày chỉ lo chuyện tắm tiên sao cho không lộ hàng với chuyện tình anh tướng quân… chưa bao giờ là nữ anh hùng mà mình ngưỡng mộ.

Hoa Mộc Lan này, mặt mũi cáu bẩn, tóc búi kiểu đàn ông, lúc nào cũng mang bộ giáp nặng trịch. Nàng thông minh, hiệp nghĩa, nhưng không phô trương, sống đúng với phận mình, thận trọng che giấu thân phận. Triệu Vy diễn xuất còn hay hơn cả trong Họa Bì, cô ấy không overact, mà sống là Mộc Lan đích thực. Cuối phim, thương lắm khi Hoàng thượng nước Ngụy ban hôn cho Văn Thái với công chúa Nhu Nhiên, nét buồn trong Mộc Lan không hề được biểu hiện đâu khác ngoài ánh mắt. Biểu cảm của Mộc Lan vừa là sự phục tùng, vừa là sự kiên định. Kiên định bởi nàng biết rõ, cuộc hôn nhân của Văn Thái còn là trách nhiệm quốc gia.

Một trong những đoạn hay nhất phim là khi Mộc Lan quay lại cố hương, trở về khuê phòng, ngồi trước chiếc gương đồng, nhìn lại bàn tay đã quen cầm đao kiếm, vừa to vừa thô, ngắm lại khuôn mặt đã dần mất đi vẻ thanh xuân, xõa mái tóc dài đã quen búi tó trên đỉnh đầu. Hy sinh là thế mà lại chẳng đòi hỏi chút gì cho bản thân mình. Khi Văn Thái đi tìm Mộc Lan, nàng từ chối việc bỏ trốn cùng nhau, chỉ bảo suốt 12 năm bên nhau đã luôn nghĩ đến Văn Thái, và phần đời còn lại cũng sẽ như vậy. Nội tâm của Mộc Lan sâu thẳm, kiên định nhưng không phù phiếm.

Về phần nhân vật Văn Thái của Trần Khôn, mình không định chửi anh này tới bến như giới phê bình, mình cũng có ít nhiều thất vọng. Về cơ bản, Trần Khôn là một diễn viên giỏi, đặc biệt khá đẹp đôi với Triệu Vy. Trong Hoa Mộc Lan, Trần Khôn không còn vẻ đẹp trai đa tình, mà già dặn, lý trí hơn. Tuy nhiên trong kịch bản, Văn Thái có nhiều hành động không thuyết phục. Việc Văn Thái ra mặt, tự xưng là hoàng tử nước Ngụy, tự nhiên khá…vô duyên :|.

Còn về biểu hiện của Văn Thái với Mộc Lan, cá nhân mình thấy hài lòng. Có người chê Văn Thái yếu đuối hơn Mộc Lan, khóc lóc nhiều như đàn bà. Thứ nhất, yếu đuối hơn Mộc Lan thì không chắc, nhưng keep in mind, Hoa Mộc Lan là nữ anh hùng, là nhân vật chính ở đây, đương nhiên phải được nhấn mạnh. Còn khóc lóc, nhìn thấy người con gái mình yêu chiến đấu hơn mười năm trời, sống chết trong gang tay, ai mà chẳng thương tâm? Nên những lời phê bình này chỉ mang tính chất tham khảo thôi =D.

Mặt khác, điều mình thấy nhột là nhân vật Văn Thái thay đổi quá nhiều trong nửa cuối phim. Khi Mộc Lan được trui rèn qua mất mát để mạnh mẽ lên, thì Văn Thái lại có vẻ…kém lý trí đi?! Ngoài những hành động tuyệt vọng, thì phải kể đến cuối phim, Văn Thái tìm Mộc Lan và hứa hẹn cùng nhau bỏ đi thật xa. Về điểm này, Mộc Lan sâu sắc hơn nhiều khi còn nghĩ đến tương lai hai dân tộc. Văn Thái thì hình như sau khi chiến tranh kết thúc, chàng…xõa luôn @@? Hay là suốt 12 năm Văn Thái coi quân cơ là trọng yếu, Mộc Lan là thứ yếu, nên sau này phải đổi lại coi trọng Mộc Lan nhất? Nếu thế thì hơi thất vọng. Tình yêu của Mộc Lan không mấy khi biểu hiện ra, chỉ có thể cảm nhận được, còn tình yêu của Văn Thái cứ dốc hết ra mất rồi. Chuối nhất là câu “Hãy quên ta đi” nói với Mộc Lan, người ta yêu suốt bao nhiêu năm tuổi trẻ trên chiến trường sát cánh bên nhau, sao có thể nói một câu xanh rờn, quên là quên @@.

Dù sao thì, với suy nghĩ nhân vật Văn Thái yếu mềm hơn Mộc Lan về cả tình cảm lẫn lý trí, mình vẫn khá thích cặp đôi này. Suốt cả phim, ngoài cảnh đánh nhau dưới suối nước nóng vì nàng tắm, ngờ đâu chàng cũng tắm => suýt lộ, thì chẳng còn cảnh nào mát mẻ đâu =D. Một trong những khung hình đẹp nhất là buổi sáng hôm sau khi Mộc Lan tỉnh lại, nắm lấy bàn tay Văn Thái, thấy vị máu tanh trên môi mình, cảm động vì cả hai vẫn sống.

Hay trên bến sông, hai vị tướng rửa trôi máu trên quân bài của những quân sĩ đã hy sinh, để người thân của họ nhận lại quân bài sẽ bớt đau lòng:

Cả hai đã cùng chung quan điểm chán ghét chiến tranh giết chóc từ khi còn là những người quân sĩ bình thường, họ mới sớm nhận thức được trách nhiệm của người có quyền lực là phải bảo vệ sự bình yên cho dân tộc. Tình cảm tri kỷ thể hiện bằng việc họ cùng chung lý tưởng, không phải bằng những hành động tình tứ.

Muốn nhặt sạn cho Hoa Mộc Lan, bạn sẽ kiếm ra rất nhiều sạn để nhặt. Nhưng công bằng thì, đến bao giờ chúng ta mới tìm được một người đóng Mộc Lan tốt hơn Triệu Vy, một câu chuyện khác sâu sắc hơn câu chuyện về nàng Mộc Lan này? Lại theo ý kiến cá nhân, chắc là mất rất lâu, và bản thân mình cũng không muốn đợi, vì đây là một trong những phim yêu thích mất rồi.

Sungkyunkwan Scandal


Hiếm có một bộ phim nào mà mình tưởng rằng chỉ là phim giải trí, yêu đương nhăng nhít, hóa ra lại giàu tính giáo dục đến thế. Nhưng câu nói yêu thích thì quá nhiều, nên chỉ trích được một số ít thôi:

“I don’t care if you hate me. However, I cannot tolerate you telling me I am wrong.”

Tôi không quan tâm nếu huynh ghét ta. Nhưng tôi sẽ không chấp nhận việc huynh nói tôi sai lầm.

 -LSJ-

“Why it is that one who sells writing to buy rice is a thief, and one who sells writing to buy power is a loyal citizen?” “So in this world, I am the biggest thief of all.”

Vì sao một kẻ bán chữ kiếm ăn thì là kẻ trộm cắp, còn người bán chữ mua danh vị thì lại là bề tôi trung thành?

-KYS-

“Don’t bow your head so easily. And don’t kneel to just anyone. That’ll become a habit, and once that’s a habit, it’s tough to fix.”

 Đừng cúi đầu một cách dễ dãi, đừng quỳ gối trước bất cứ kẻ nào. Một khi những điều đó trở thành thói quen, sẽ khó mà sửa được.

-MJS-

“My left arm is a beginner and is pulling this bow for the first time…just like you. I’m going to pull off a Mol-gi (hitting bulls-eye 5 times, highest points rewarded) with this left hand.”

“If we have to make the impossible possible, I will make it.”

Ngày hôm nay tôi giương cung bằng tay trái lần đầu tiên, cũng chỉ như cậu. Bằng cánh tay trái này, tôi sẽ bắn trúng hồng tâm 5 lần.

Nếu cần những điều không khả thi, thì tôi sẽ tạo ra ngoại lệ.

-LSJ-

“From now on if anyone points their finger at you, you give them your fist.”

 Từ giờ trở đi, nếu kẻ nào chỉ tay vào cậu, cậu phải đáp trả bằng nắm đấm.

-MJS-

“No one in this world can choose their parents or to be born the way they want. There’s only one thing you can choose for yourself: today. How you’re going to live today? Did you say that you have no prominent family? You must feel that the world is unfair! I’m sure you must also want to complain. So, are you going to live the rest of your life complaining and feeling sorry for yourself?”

 Không ai trên thế gian này có thể chọn cha mẹ hay gia thế cho mình. Điều duy nhất cậu có thể thay đổi là chính bản thân mình, ở hiện tại. Cậu sẽ sống thế nào? Cậu không sinh ra trong một gia đình danh giá, cậu hẳn phải thấy cuộc đời thật bất công! Và tôi chắc cậu muốn oán trách. Vậy cậu có định dành cả đời này oán trách và tự thương hại mình hay không?

-LSJ-

“Then that’ll be that. I trust you, more than I trust myself. You’re always pushing yourself. Putting up a prickly front and constantly talking about principles. That’s your way of doing your best to become a good person. This time will be no different. Whatever choice you make will probably be the right one. Even if it’s different from what I’m thinking.”

 Sẽ là như thế. Tôi tin huynh, nhiều hơn tin chính bản thân mình. Huynh luôn nghiêm khắc với chính mình. Khoác lên cái vỏ kỳ quặc và không ngừng nói về chuẩn mực. Đó là cách mà huynh cố gắng để trở thành một người tốt. Lần này cũng vậy, bất kỳ lựa chọn nào của huynh cũng sẽ là đúng đắn, kể cả khi lựa chọn ấy khác với lựa chọn của tôi.

-KYS-

“I knew a guy who said he could hear the entirety of Sungkyunkwan breathing from up here. He’s the one who told me that Sungkyunkwan’s main gate opens up to the lowest, poorest area of Joseon, Banchon, and not to the king’s palace.”

Tôi có biết một người từng nói, anh ấy có thể nghe thấy hơi thở của cả Sungkyunkwan từ trên tán cây này. Anh ấy cũng nói với tôi, cổng lớn của Sungkyunkwan mở về phía khu chợ bần hàn, đói khổ nhất của Joseon, Banchon, chứ không phải về phía cung điện của Hoàng thượng.

-MJS-

“In Neo-Confucianism, the highly prized principle of “In(仁)” stands for the endless care for a comrade. Am I wrong? Selflessness(In,仁), Righteousness(Eui,義), Propriety(Yae,禮), Wisdom(Ji,智), and Faith(Shin,信). These are the principles that every Confucian scholar should uphold—but instead of looking at the facts, you see what you want to see and believe what you want to believe, and thus you lack Wisdom. Without even realizing that your thoughtless curiosity is putting others in trouble and is in it of itself a sin, you just laugh and enjoy the show, and thus you lack Righteousness AND Propriety. And you distrust your comrades, thus you lack Faith and cannot be regarded as a true Confucian scholar. No one here has the right to point any fingers. If this is the Confucian way, than I’d rather choose homosexuality.”

Đức Khổng Tử dạy rằng, đạo lý cao nhất là Nhân – tấm lòng đối với đồng bạn. Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, đó là những đạo lý mà sĩ tử phải tuân theo, nhưng thay vì nhìn vào sự thật, các người nhìn vào những gì các người muốn nhìn và muốn tin, vậy là các người không có Trí. Không ngộ ra rằng tính tò mò, vô tâm của các người đang gây ra tai họa cho người khác, là không có Lễ và Nghĩa. Và các người nghi ngờ bạn học, là thiếu Tín và không xứng là một nho sĩ. Không một ai ở đây có quyền chỉ tay gán tội. Nếu Khổng giáo suy đồi đến mức này, ta thà nam sắc còn hơn.

-LSJ-

“What kind of person do you think Father was? Yoon-shik, always when I thought of him, a cold wind blew through my heart. Father used to sit you on his knee and read to you, and my place was outside the door. So when I thought of him, I didn’t remember his face. I’d remember the shadow I’d see from outside the door.” – KYH

“Sis, you didn’t know? Father always sat near the door, reading as loud as he could. He read books that I was too young to understand. He wasn’t reading to me, he was reading to you outside the door. You didn’t know that all this time?” KYS

From the lecture note of her father: “To watch my daughter advance in her studies is a painful thing. If I were her teacher, I would have wanted to teach her. But is it right to teach her to have aspirations in a world where she cannot fulfill them? I am a foolish father who cannot provide any opportunities to his talented daughter. I listen with abated breath as my daughter reads aloud, and today, once more, I weep deep inside my heart.”

“Em nghĩ cha là người như thế nào? Yoonshik, mỗi lần nghĩ đến cha là chị cảm thấy giá lạnh trong lòng. Cha từng đặt em trong lòng và đọc sách cho em nghe, và chị chỉ được ngồi ngoài cửa. Chị thậm chí còn chẳng nhớ mặt cha, chỉ nhớ đến bóng hình in trên vách tường.”

“Chị không biết hay sao? Cha lúc nào cũng ngồi sát cửa, đọc thật to. Những cuốn sách lúc ấy, em còn quá nhỏ để hiểu. Cha không đọc cho em, mà đọc cho chị ở ngoài khung cửa.”

Di thư của cha để lại viết rằng: “Nhìn thấy con gái ta tiến bộ từng ngày mà lòng ta đau nhói. Nếu ta được dạy con, ta nhất định sẽ dạy. Nhưng liệu có phải đạo lý hay không khi ta dạy cho con tham vọng trong một thế gian mà con không được phép nuôi tham vọng? Ta chỉ là một người cha ngu ngốc không thể đem lại cơ hội cho con gái ta. Khi ta hồi hộp nghe tiếng con gái tập đọc hôm nay, lại một lần nữa, trái tim ta nhói đau.

If a person takes a single step back, he must then take two steps back to cover up that misstep. Then, in the messy zigzag of his footsteps, he will forget where he wanted to go.”

 Nếu một người lùi một bước, anh ta sẽ tự nhiên muốn lùi hai bước để nhìn lại bước đi nhầm lẫn, để rồi giữa những dấu chân lẫn lộn của chính mình, anh ta sẽ quên mất mình muốn đi đâu.

-KYS-